Việt Nam: Đối tác quan trọng trong Chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Thổ Nhĩ Kỳ

22/11/2012 07:32

Nhằm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế 2 nước Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ, vừa qua VCCI-HCM đã phối hợp với Cục Quan hệ kinh tế đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ (DEIK) tổ chức chương trình “Giao lưu thương mại Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ.” Với sự tham dự của các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trong nhiều lĩnh vực: thực phẩm, nông sản tươi và chế biến, máy móc thiết bị, logistic, sơn, hóa chất…; buổi giao lưu đã thực sự mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm đối tác kinh doanh.

Hơn 30 qua kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoài giao, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ phát triển hế sức tốt đẹp, nhất là trên lĩnh vực thương mại và đầu tư. Tuy nhiên sự phát triển quan hệ kinh tế song phương vẫn chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng quan hệ hai nước.

Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc VCCI-HCMC cho biết Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế lớn thứ 17 thế giới với kim ngạch nhập khẩu trên 100 tỷ USD mỗi năm và dự kiến năm 2013 sẽ đạt 260 tỷ USD. Đây thật sự là thị trường quan trọng đối với các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam; đồng thời cũng là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam như gạo, cao su, chè, may mặc, giày dép, hàng điện tử, thủ công mỹ nghệ… vào khu vực Trung Đông và nơi trung chuyển vào thị trường EU. Ngược lại Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp của Việt Nam như phôi thép, sắt thép, vật tư xây dựng, bông, hóa chất, phụ tùng ôtô.

Điều đáng chú ý là trong những năm qua, Việt Nam liên tục xuất siêu sang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, sợi là mặt hàng xuất khẩu liên tục dẫn đầu với trị giá xuất khẩu đạt 276 triệu USD (2011), tăng 56,3% so với năm 2010. Tiếp đó là các mặt hàng điện thoại di động và linh kiện 121 triệu USD, hàng dệt  209 triệu USD, cao su 53 triệu USD…Ông Hưng thông tin thêm hiện nay Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (Turkis Airlines) đã mở đường bay thẳng từ Istanbul đến Tp.HCM. Đây thực sự là cầu nối quan trọng để doanh nghiệp hai bên thúc đẩy các hoạt động trao đổi buôn bán thương mại và đầu tư.

Chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ Necati Abacioglu, cho biết về mặt đầu tư, cả Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đều là những địa chỉ hấp dẫn. Với dân số trẻ, năng động và một nền kinh tế đang phát triển nhanh, mức GDP tăng liên tục, Việt Nam rõ ràng đang mang lại nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh trên mọi lĩnh vực. Riêng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc sở hữu một vị trí địa chiến lược quan trọng và lực lượng lao động tốt, năng suất cao đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm thu hút đầu tư trong khu vực. Ông Necati Abacioglu nhấn mạnh: “Việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam thực sự có tầm quan trọng trong chính sách của chúng tôi, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế và thương mại. Việt Nam được nhận định sẽ trở thành “Con hổ của ASEAN”, chính vì vậy Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong Chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương của  Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó tập trung chủ yếu vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực này”.

Theo ông Ismail Bitirim, Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ, năm 2010 kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức 850 triệu USD và thống kê của năm 2011 là 1 tỷ USD. Trong 3 quý đầu năm 2012, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có kim ngạch hai chiều đạt 950 triệu USD và con số này chắc chắn sẽ đạt 1 tỷ USD vào cuối năm nay. Tuy nhiên con số này vẫn chưa xứng với tiềm năng hợp tác khi đặt trong quy mô của hai nền kinh tế và tiềm năng kinh tế đối ngoại hai bên. Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có sự tương đồng về thế mạnh ở các ngành nông nghiệp, dệt, công nghiệp khoáng sản và khai thác mỏ; chính vì vậy ông Ismail Bitirim khuyến nghị hai nước cần thắt chặt mối quan hệ đầu tư thương mại để cùng hỗ trợ phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng của mỗi quốc gia. Về mặt quỹ mô, hai nước cũng cần tăng cường hơn nữa quan hệ đầu tư, dòng luân chuyển vốn, các quan hệ du lịch – dịch vụ, tăng cường chuyển giao công nghệ…

Nhận định với kim ngạch trao đổi thương mại hiện nay thì mức thặng dư thương mại đang nghiêng về phía Việt Nam, ông Ismail Bitirim bày tỏ hy vọng trong thời gian tới cán cân thương mại giữa hai nước sẽ cân bằng hơn.