Nhân Khóa họp 13 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Ucraina về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật tổ chức tại Tp.HCM, vừa qua VCCI – HCM đã phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Ucraina tại Hà Nội tổ chức buổi “Giao lưu thương mại Việt Nam – Ucraina”. Đoàn doanh nghiệp Ucraina sang Việt Nam lần này gồm các công ty hàng đầu trong lĩnh vực dệt may, hóa chất, đóng tàu, hàng không, thiết bị máy móc thuộc ngành dầu khí, giáo dục đào tạo…. Mục đích chính của Đoàn là cùng sẻ chia kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh lâu dài với doanh nghiệp Việt Nam trên các lĩnh vực cùng ngành nghề.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết Chính phủ Việt Nam và Ucraina đã có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống lâu dài và đã cùng ký kết nhiều văn kiện hợp tác trao đổi thương mại, đầu tư; tạo tiền đề cho việc hợp tác kinh tế giữa hai nước. Với dân số 48 triệu người, sức tiêu thụ lớn, hệ thống ngân hàng đủ điều kiện thanh toán quốc tế, hiện Ucraina đang được đánh giá là thị trường phát triển tốt và tiềm năng đối với Việt Nam. Thêm vào đó, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam và Ucraina đều mang tính bổ sung cho nhau, thuận lợi cho hai nước đẩy mạnh giao thương, nâng quan hệ hợp tác thương mại lên thành đối tác chiến lược.
Hiện nay hàng hóa Việt Nam bước đầu đã tạo dựng được chỗ đứng và uy tín đối với người tiêu dùng Ucraina. Việt Nam chủ yếu xuất sang Ucraina các nhóm mặt hàng thủy hải sản, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ và hàng đồ gỗ các loại, dệt may, giày da… và nhập khẩu các mặt hàng sắt thép, máy móc thiết bị các loại, hóa chất, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Năm 2011, kim ngạch thương mại Việt Nam - Ucraina đạt gần 300 triệu USD. Riêng 8 tháng năm 2012, con số này đạt hơn 175 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 132 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ; xuất khẩu của Ucraina đạt 43 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, mặc dù thương mại song phương Việt Nam và Ucraina đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh thời gian qua nhưng vẫn còn khá khiếm tốn so với tiềm năng hợp tác giữa hai nước; kim ngạch thương mại song phương còn chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia. Ông Khánh dẫn chứng mỗi năm Ucraina có nhu cầu nhập khẩu gần 2 tỷ USD hàng dệt may, tuy nhiên trong 8 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường tiềm năng này chỉ vào khoảng 14 triệu USD. Không chỉ dệt may, Ucraina còn có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng giày dép, cà phê, chè... nhưng hầu như khả năng cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam không đáng kể.

Riêng trong lĩnh vực đầu tư, đầu tư trực tiếp trên lãnh thổ của nhau giữa hai quốc gia còn rất hạn chế. Năm 2011, Ucraina có 10 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 23,3 triệu USD, đứng thứ 59 trong tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Ngược lại Việt Nam cũng có 5 dự án đầu tự tại Ucraina với tổng vốn đầu tư chỉ vào khoảng 3 triệu USD.
Thứ trưởng đề nghị doanh nghiệp Việt Nam và Ucraina tiếp tục đẩy mạnh tăng cường hợp tác để khai thác triệt để và hiệu quả tiềm năng dồi dào giữa hai nước. Trong các cuộc hội đàm, bên cạnh các lĩnh vực truyền thống, Việt Nam - Ucraina cũng cần chủ động đề xuất các lĩnh vực kết nối mới, giàu tiềm năng; trên cơ sở đó định vị phương hướng hợp tác cũng như triển khai thêm các dự án quy mô lớn.
Theo Chủ tịch Uỷ ban Chống độc quyền Ucraina, ông Vasy Tushko, Ucraina luôn xem Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất khu vực ASEAN. Tiềm năng hợp tác của Ucraina và Việt Nam còn rất dồi dào và cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần tích cực bổ sung cho nhau những tiềm năng này để phát triển sâu hơn nữa. Việt Nam và Ucraina phải trở thành đồng minh của nhau, cùng nhau củng cố mối quan hệ truyền thống và thiết lập chặt chẽ hơn nữa các mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. Việt Nam có thể là đối tác trung gian bán hàng Ucraina sang thị trường ASEAN, ngược lại Ucraina cũng có thể là đối tác trung gian bán hàng Việt Nam sang khu vực Đông Âu. Ông Vasy Tushko nhấn mạnh: “Chỉ có trở thành đồng minh, cùng hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, Việt Nam và Ucraina mới giành được thắng lợi trên thương trường quốc tế”.
Để thắt chặt hơn quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, Phòng Thương mại–Công nghiệp Ucraina cũng đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam–Ucraina. Tham gia Hội đồng này, doanh nghiệp hai nước không phải đóng bất cứ khoản chi phí nào, đồng thời sẽ được cung cấp thông tin thị trường, thông tin đối tác, tư vấn và hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn trong toàn bộ hoạt động…