Điều chỉnh hành vi quản lý của các cấp địa phương bằng luật

28/09/2012 10:03
Trong buổi chiều cùng ngày 26/9, Bàn tròn thảo luận một số vấn đề về Luật Doanh nghiệp cũng đã diễn ra tại VCCI-HCM. Luật Doanh nghiệp năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2006. Luật Doanh nghiệp ra đời là một bước tiến trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh, từng bước xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên bên cạnh những điểm tích cực, hiện nay Luật Doanh nghiệp đang dần bộc lộ những hạn chế, chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, phần nào cản trở đến hoạt động của doanh nghiệp, yêu cầu phải được sửa đổi. Tại Hội thảo, các doanh nghiệp, các chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến nghị bám sát từ thực tế những hạn chế của Luật Doanh nghiệp, tạo cơ sở cho việc sửa đổi Luật này.
 
 
Phân tích những bất cập trong các quy định hiện hành liên quan đến vấn đề chuyển đổi từ công ty cổ phần sang công ty TNHH MTV, Tiến sĩ Hồ Xuân Thắng – Trưởng Khoa Luật (Trường Đại học Sài Gòn) kiến nghị để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi hình thức công ty và bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba, Luật Doanh nghiệp cần quy định cụ thể về thời điểm xác lập quyền sở hữu cổ phần đối với loại hình công ty cổ phần trong điều 154; đồng thời bổ sung các hình thức xử lý trong trường hợp các cổ đông không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết góp vào công ty cổ phần tại điều 84. 
 
Riêng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Lâm Đồng nhận định Luật Doanh nghiệp 2005 đã xác lập, đảm bảo quyền kinh doanh hợp pháp với chủ thể doanh nghiệp. Tuy nhiên tính hợp lý, thống nhất, minh bạch, đồng bộ phát triển của bộ luật còn bộc lộ một số nhược điểm. Vị đại diện này dẫn chứng hiện nay một số địa phương đưa vào quy định khi đăng ký kinh doanh, các doanh nghiệp phải chờ cơ quan kế hoạch đầu tư địa phương trình UBND tỉnh cho chủ trương mới thực hiện được quyền đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp 2005. Quy định “ngầm” này đã “ngâm” hồ sơ doanh nghiệp vì phải chờ đợi không rõ thời hạn bao lâu, gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cho rằng quy định này nằm ngoài luật điều chỉnh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị cần hủy bỏ (theo khoản 5 điều 7) hoặc đưa vào điều luật để điều chỉnh hành vi quản lý các cấp địa phương cho minh bạch, thống nhất.