Bàn tròn thảo luận và kiến nghị sửa đổi hoàn thiện Luật Đầu tư

27/09/2012 09:36

Sáng ngày 26/9, Bàn tròn thảo luận một số vấn đề về Luật Đầu tư đã được tổ chức tại Hội trường VCCI – HCM với sự chủ trì của đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư và VCCI với mục đích lấy ý kiến của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp – đối tượng chịu tác động trực tiếp của Luật Đầu tư về những vấn đề vướng mắc liên quan và kiến nghị sửa đổi các quy định của Luật này.

Đại diện các doanh nghiệp, công ty tư vấn luật cho rằng Luật Đầu tư hiện hành có rất nhiều chồng chéo, lẫn lộn và mâu thuẫn với các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Thuế… không làm cho môi trường kinh doanh tốt hơn mà ngược lại còn yếu kém đi.

Cụ thể về hưởng ưu đãi khi đầu tư. Ưu đãi về thuê đất đã có quy định trong Luật đất đai, ưu đãi về thuế đã có quy định trong Luật thuế,... nhưng Luật Đầu tư cũng đưa những ưu đãi này vào, như vậy không khác nào là chép lại từ các luật khác và tạo ra sự chồng chéo, gây khó khăn thêm về thủ tục cho doanh nghiệp. Điều này đã phần nào làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam thêm kém cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Tại bàn tròn thảo luận, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng ban phụ trách Ban pháp chế thuộc VCCI, cũng đã tóm lượt kết quả rà soát Luật Đầu tư và chỉ ra hàng loạt điểm bất cập cần sửa đổi hoặc bỏ hẳn trong luật này. Cụ thể như các quy định về thủ tục đăng ký, thẩm tra dự án đầu tư, theo ông Tuấn, là không hợp lý và không cần thiết vì nó trùng lắp rất lớn giữa thủ tục đầu tư và thủ tục đất đai nên cần bãi bỏ.

Những bất cập khác như phạm vi, đối tượng điều chỉnh không rõ ràng; các khái niệm về nhà đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài chưa đầy đủ, chính xác và không thống nhất so với các văn bản quy phạm pháp luật khác; khái niệm dự án đầu tư cũng không rõ ràng; khái niệm đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp lẫn lộn dẫn đến khó phân định rõ ràng 2 loại hình đầu tư này, ảnh hưởng đến các thủ tục đầu tư và các thủ tục khác liên quan...
 
Thạc sĩ Nguyễn Việt Khoa, Giám đốc Trung tâm tư vấn và bồi dưỡng pháp Luật Kinh doanh –Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cùng nhiều luật sư và doanh nghiệp khác cũng đồng tình Luật Đầu tư đang cản trở rất lớn trong hoạt động của doanh nghiệp.
 
Ông Khoa kiến nghị những quy định về thủ tục đầu tư nên quy định thống nhất theo Luật Doanh nghiệp để tạo ra sự bình đẳng trong việc đăng ký doanh nghiệp. Những vấn đề chưa được Luật Doanh nghiệp, các đạo luật khác quy định như: hình thức đầu tư, đầu tư dự án thì nên ban hàng một nghị định hướng dẫn thi hành là phù hợp.
 
Từ những lý do trên, ông Khoa cho rằng, việc mạnh dạn bỏ Luật Đầu tư sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo ra tính thống nhất trong quá trình ban hành, áp dụng pháp luật, bình đẳng của các loại hình doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện việc đầu tư, kinh doanh, tránh sự chồng chéo giữa các đạo luật góp phần tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng cho các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài…
 
Trong khi đó luật sư Trần Thanh Tùng thuộc Công ty Luật Phuoc & Partners thì đề xuất Luật Đầu tư nên được điều chỉnh theo hướng chuyển thành Luật Khuyến khích Đầu tư - nghĩa là chỉ tập trung vào các vấn đề như chính sách đầu tư, bảo hộ đầu tư, khuyến khích đầu tư có điều kiện.
 
Tại bàn tròn thảo luận, các doanh nghiệp, công ty luật nước ngoài nôn nóng các cơ quan chức năng sớm kiến nghị những vướng mắc và cần sửa đổi Luật này cho phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư. 
 
Kết luận tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – đại diện Ban Pháp chế của VCCI cho biết hiện Ban soạn thảo sửa đổi Luật Đầu tư đã có bản báo cáo chi tiết rà soát Luật Đầu tư năm 2005, kết hợp với các ý kiến góp ý khách quan của đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia nghiên cứu luật sẽ trở thành hồ sơ hoàn chỉnh để đưa ra lộ trình xây dựng Luật Đầu tư mới gần với thực tiễn nền kinh tế đất nước cũng như xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay.

(Tổng hợp từ The Saigon Times và Business Forum)